Quần thể tháp Poshanư là một nhóm di tích đền tháp được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 8, đầu thế kỷ thứ 9 tại Vương quốc Champa cổ, thờ thần Shiva- một trong những vị thần Ấn Độ giáo được sùng bái và tôn kính nhất trong văn hóa Champa. Tháp được xây dựng theo phong cách kiến trúc Hòa Lai - kiểu những kiến trúc tháp thành công nhất, đẹp nhất của người Champa, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu mỹ thuật, và thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan.
Sự ra đời của quần thể tháp gắn liền với câu chuyện tình đẹp nhưng không trọn vẹn của công chúa Poshanư. Poshanư là một công chúa có công lớn trong việc tổ chức hướng dẫn nhân dân vùng Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc ngày nay sản xuất nông nghiệp, khai phá đất rừng làm rẫy, trồng lúa nước, trồng bông dệt vải, xây dựng các công trình thuỷ lợi. Bà cũng là người đã định ra nhiều quy tắc trong quan hệ giao tiếp, đối xử tiến bộ trong gia đình và xã hội của triều đình trong thời kỳ đó.
Công chúa Poshanư, vượt qua nhiều định kiến xã hội, đã đem lòng yêu và kết hôn với lãnh chúa Po Sahaniempar một người theo đạo Hồi giáo ở vùng Ma Lâm. Trong những ngày sống hạnh phúc và đã cùng nhau xuống vùng Phú Hài (Phan Thiết) vận động nhân dân xây tháp trên đồi Bianneh (Mũi Né). Thái tử Podam, em ruột của Poshanư từ lâu đã không muốn chị mình lấy một người chồng ngoại đạo. Nhân một chuyến hành hương về Ấn Độ của Po Sahaniempar theo luật Hồi giáo, Podam đã bày mưu chia rẻ hai người. Chàng Po Sahaniempar sau thời gian hành hương trở về không thấy vợ ra đón theo lời hẹn ước, cho rằng bà đã phản bội nên từ bỏ ra đi về phía nam, mang theo trong lòng một mối hận. Khi Poshanư tìm đến để nói lời thanh minh, thì ông đã trao gởi trái tim tình yêu cho nàng Chargo người dân tộc Raglây ở vùng Núi Ông – Tánh Linh. Những năm tháng cuối đời bà Poshanư đã sống một mình thanh thản tại Bianneh. Người Chăm đời sau tạc tượng Bà và thờ Bà trong tháp.
Quần thể tháp Poshanư gồm 3 ngọn tháp: Tháp chính cao 15 mét, hơi chếch về phía Nam, hai tháp phụ hơi chếch về phía Bắc phía Đông cạnh tháp chính. Tháp thờ thần Shiva biểu hiện bằng bệ thờ Linga-Yôni bằng đá hiện còn lưu giữ tại tháp chính.
Quần thể tháp hiện là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch Phan Thiết từ Bắc đến Nam. Du khách thập phương đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá mà những nghệ nhân và những người thợ xây dựng Champa đã mang theo vào cõi vĩnh hằng. Họ còn đến để chứng kiến một dấu tích lịch sử của một vương quốc đã mất vẫn còn trường tồn đến ngày nay.