HotLine: O355756176
poshanukimnguyen@gmail.com
Trang chủ

Thông tin

Khám phá Tháp Poshanư, công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo
Ngày đăng: 18/08/2018 7826 lượt xem
Tháp Poshanư là một nhóm di tích đền tháp còn sót lại của Vương Quốc Chăm Pa xưa. Nơi đây thu hút du khách bởi những công trình độc đáo, kì bí của người Chăm xưa đã tạo nên mà đến nay còn nhiều điều chưa giải được giải thích, khám phá.

Vị trí, địa lý 

Tháp Poshanư hay còn gọi là po Sah Inu nằm trên đồi Bà Nài thuộc phường Phú Hài, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7 km về hướng Đông – Bắc. Đây là công trình đã được nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1991.
 

Nguồn gốc, tên gọi tháp Poshanư

Người Chăm xây dựng nhóm tháp Poshanư vào cuối thế kỷ thứ 8, đầu thế kỷ thứ 9 để thờ Thần Shiva, một trong những vị thần quan trọng của Ấn Độ giáo. Đến thế kỷ 15, người Chăm tiếp tục xây dựng một số đền thờ dạng kiến trúc đơn giản để  thờ công chúa Poshanư, tương truyền là con vua Para Chanh được nhân dân yêu quý về tài đức và phép ứng xử. 

Theo những cuộc khai quất khảo cổ tại khu Tháp Poshanư từ năm 1992 đến 1995, đã phát hiện ra nhiều nền móng của những ngôi đền bị sụp đổ và bị vùi lấp hàng trăm năm nay, cùng với gạch ngói và một số hiện vật có niên đại từ thế kỷ 15. Hiện nay, Tháp Poshanư đã được tiến hành tu bổ, tôn tạo.
 
tháp-poshanư
Người Chăm xây dựng nhóm Tháp Poshanư vào cuối thế kỷ thứ 8, đầu thế kỷ thứ 9 để thờ Thần Shiva
 
Đến thăm tháp Poshanư, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những tinh hoa kiến trúc của người Chăm xưa mà còn được lắng nghe câu chuyện tình yêu của nàng công chúa. Sự ra đời của quần thể tháp gắn liền với câu chuyện tình đẹp nhưng không trọn vẹn của công chúa Poshanư. Poshanư là một công chúa có công lớn trong việc tổ chức hướng dẫn nhân dân vùng Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc ngày nay sản xuất nông nghiệp, khai phá đất rừng làm rẫy, trồng lúa nước, trồng bông dệt vải, xây dựng các công trình thủy lợi. Công chúa Poshanư cũng là người định ra nhiều quy tắc trong quan hệ giao tiếp, đối xử tiến bộ trong gia đình và xã hội của triều đình trong thời kỳ đó. 

Công chúa Poshanư vượt qua nhiều định kiến xã hội, đem lòng yêu và kết hôn với lãnh chúa Po Sahaniempar một người theo đạo Hồi giáo ở vùng Ma Lâm. Podam, em ruột của Poshanư từ lâu đã  không muốn chị mình lấy một người chồng ngoại đạo. Nhân một chuyến hành hương về Ấn Độ của Po Sahaniempar theo luật Hồi giáo, Podam đã bày mưu chia rẽ hai người. Chàng Po Sahaniempar sau thời gian hành hương trở về không thấy vợ đón theo lời hẹn ước, cho rằng bà đã phản bội nên từ bỏ ra đi về phía nam, mang theo trong lòng một mối hận. Khi Poshanư tìm đến  để nói lời thanh minh, thì công đã trao gởi trái tim tình yêu cho nàng Chargo. Những năm tháng cuối đời bà Poshanư đã sống một mình thanh thản tại Bianeh. Người  Chăm đời sau tạc tượng Bà và thờ Bà trong tháp.
 
vẻ-đẹp-tháp-poshanu

Tháp Poshanư có phong cách kiến trúc Hòa Lai

Đặc điểm kiến trúc của tháp Poshanư

Có phong cách kiến trúc Hòa Lai, tháp Poshanư được xây dựng từ những viên gạch đỏ liên kết với nhau rất chắc chắn bởi một loại chất kết dính đặc biệt mà nhiều giả thiết hiện nay cho rằng đó là nhựa thực vật. Đây là tuyệt tác của dân tộc Chăm để lại cho nhân loại. Tuy chỉ có kích thước vừa và nhỏ, nhưng nó chắt lọc được những tinh hoa kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí. Từ hình dạng kiến trúc đến kỹ thuật xây dựng và trang trí nghệ thuật trên thân tháp, các vòm cuốn, các cửa chính, cửa giả, trong lòng và lên đến đỉnh tháp.
 
Đối với kỹ thuật xây dựng và trang trí nghệ thuật còn lại ở thân Tháp đủ gợi lên yếu tố thẩm mỹ khá riêng biệt. Người Chăm xây dựng nhóm đền tháp này với mục đích để thờ thần Shiva – một trong những vị thần Ấn Độ giáo được người Chăm sùng vái và tôn kính. 

chiêm-ngưỡng-tháo-poshanu
Khu di tích tháp Poshanư gồm có một tháp chính và hai tháp phụ
 
Khu di tích Tháp Poshanư gồm có một tháp chính và hai tháp phụ. Trong đó tháp chính cao 15m được chia thành ba tầng. Tháp này có một cửa chính hướng về phía đông – hướng cư ngụ của các vị thần linh theo truyền thuyết Chăm Pa. Tháp chính này được thiết kế thêm ba cửa giả ở các hướng Tây, Bắc, Nam. Cửa Tây được chạm khắc trang trí bằng những hoa văn và hình tượng khá lạ mắt nhằm để kiến trúc có tính đối xứng đồng dạng.

Đối với tháp phụ thứ nhất thờ Thần Lửa, đây là tháp nhỏ nhất trong khu di tích với chiều cao khiêm tốn chỉ khoảng 4m, có một cửa duy nhất hướng về phía Đông.  Tháp này nằm ngay cạnh tháp chính.  Theo thời gian, những họa tiết trang trí trên ngọn tháp này chỉ còn những đường nét gốc khá đơn giản. Tháp phụ còn lại nằm khá xa tháp chính, tháp này thờ Thần Bò Nandin – một vật cưỡi của vị thần nổi tiếng linh thiêng Shiva. Với chiều cao khoảng 12 m, tháp được thiết kế tương tự như tháp chính, các họa tiết trang trí cũng đơn giản hơn tháp chính khá nhiều.
 
thap-poshanu-mui-ne
Khu di tích Tháp Poshanư gồm có một tháp chính và hai tháp phụ

Tháp Poshanư là một trong những điểm yêu thích của du khách  khi đi du lịch Mũi Né. Đến nơi đây, du khách như được ngược dòng thời trở về quá khứ để thấy được những giá trị văn hóa cùng những công trình kiến trúc mà người Chăm pa đã gây dựng. Hằng năm, cứ vào mỗi dịp lễ hội Rija Nuga hay Poh Mbang cư dân địa phương lại tới đây cầu mưa và cầu nguyện những điều tốt lành. 

Sản phẩm bán chạy

Bài viết khác
Lượt xem: 3786
Tháp Pôshanư hay Po Sah Inư còn được gọi là Tháp Chăm Phố Hài, là một nhóm di tích đền tháp còn sót lại của Vương Quốc Chăm Pa xưa, nằm trên đồi Bà Nài thuộc phường Phú Hài, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7 km về hướng Đông – Bắc. Điểm thu hút của tháp Chàm Poshanư cũng như các nhóm tháp Chăm khác chính bởi những tinh hoa kiến trúc và nghệ thuật của người Chăm xưa đã tạo nên những công trình độc đáo, kỳ bí, mà ngày nay còn nhiều điều chưa được giải thích, khám phá.
Lượt xem: 4302
Trong thời kỳ phát triển hưng thịnh của mình, vương quốc Chăm-pa đã để lại cho hậu thế nhiều công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật, trở thành những di sản vô giá ngày nay . Trong đó, tháp Chàm Poshanư được coi là công trình chứa nhiều tinh hoa kiến trúc của người Chăm cổ nhất.
Lượt xem: 4758
Từng là vùng đất của một vương quốc hùng mạnh và phát triển về kỹ thuật xây dựng, Bình Thuận hiện vẫn còn tồn tại nhiều di tích lịch sử của người Chăm. Điển hình là quần thể tháp Poshanư, nằm trên đồi Bà Nài , thuộc phường Phú Hài, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7 km về hướng Đông Bắc. Công trình này đã được nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1991.