Ganesha là con trai vị thần Shiva (thần hủy diệt), Parvati vợ của thần Shiva muốn có một đứa con để hôn khắp mặt nó, khi nói điều đó, thần Shiva kéo áo của nàng Parvati và dùng thứ vải áo của nàng để tạo ra một đứa con rồi nói: “Này Parvati, hãy nhận con của nàng và hôn nó tùy thích”. Khi mảnh vải có hình thù đứa bé chạm phải ngực của nữ thần, đứa bé trở nên sinh động, càng lúc đứa bé càng trở nên nhanh nhẹn và cựa quậy nhiều hơn. Khi đó nàng dùng hai cánh hoa sen đang cầm trên tay để ve vuốt đứa bé. Trong khi bú sữa, khuôn mặt hoa sen của bé nở một nụ cười, bé hướng mắt nhìn mặt mẹ và nàng hôn khắp mặt đứa bé.
Sự ra đời của thần Ganesha từ một mảnh vải là một phép lạ do Thần cha (Shiva) ban phát, vì thế đứa bé không sống lâu, trong một thời gian rất ngắn, một cái chết an lành sẽ đến với đứa bé yểu mệnh này, và ngay sau đó đầu đứa bé rơi xuống đất. Parvati đau đớn tột cùng. Nàng ôm lấy xác con và nức nở khóc. Nàng không ngớt gào lên: “Bé con của tôi, bé con của tôi”. Kinh ngạc, Shiva cầm lấy cái đầu của con mình và dịu dàng nói với nữ thần, nàng hãy thôi buồn khổ, ta sẽ cho con nàng sống lại. Thần Shiva khuyên nàng hãy chắp cái đầu này vào giữa hai vai đứa bé. Nữ thần Parvati làm theo lời chồng, nhưng cái đầu không khớp một cách vững chắc. Khi đó từ trên trời có một giọng nói vang lên: “Này ngài Shiva, cái đầu của con trai ngài sinh ra với một thương tổn do hành tinh của những kẻ tự vẫn tạo nên, vì vậy, nó không thể sống được với cái đầu đó, hãy đặt một cái đầu của ai đó lên hai vai nó và làm cho nó sống lại, và vì đứa bé con ngài đang có định mệnh hướng Bắc, hãy mang đến một cái đầu của ai đó đang hướng về phía Bắc và chắp vào cho đứa bé”. Khi nghe giọng nói của trời, thần Shiva gọi Nandin(1) đến và trao cho nó nhiệm vụ đó.
Nandin lang thang khắp ba vũ trụ rồi đến Amaravati nơi trông thấy Airavata, con voi của Indra với cái đầu hướng về phía bắc. Một cuộc chiến giữa Nandin (tôi tớ của Shiva) và con voi, đạo quân của Indra. Cuối cùng, Nandin hùng mạnh đã chiến thắng, đem đầu voi Airavata về cho thần Shiva, thần Shiva vui mừng ôm hôn Nandin và đặt cái đầu voi lên giữa hai vai của con ngài. Ngay khi cái đầu voi đặt đúng khớp, đứa bé trở nên rất sinh động. Vị thần hơi lùn mập, bụng phệ, với khuôn mặt của vua – voi, sáng như mặt trăng và đỏ au như hoa hồng. Thần có bốn cánh tay, ba con mắt xinh đẹp của thần lấp lánh trước sự hiện diện của Shiva.
Tất cả các vị thần đều đến nhìn đứa con của Shiva với cái đầu vua – voi mang lại điềm lành. Sau đó, Brahma (Thần sáng tạo) và những thần khác xức dầu thánh cho đứa bé, Brahma đặt cho nó cái tên là “Bụng phệ”. Đứa bé xinh đẹp ngời sáng giữa các vị thần và vì thế họ bảo “Hãy để đứa bé làm Vua các vị thần và được thờ phụng trước tất cả các thần”. Rồi Saraswati(2) trao cho đứa bé một cây bút và lọ mực màu, Brahma cho một tràng hạt; Indra (Thần sấm sét) cho nó một gậy nhọn để thúc voi; Padmavati (3) cho nó một hoa sen và Shiva cho nó một bộ da cọp; Brhaspati(4) cho nó một sợi chỉ thiêng, Nữ thần đất cho nó một con chuột kéo cỗ xe…Vì thế, các thần đề bạt Ganesha là thần lãnh đạo các đạo quân của các vị thần, nhưng không, thần Ganesha không tha thiết gì đến chuyện trần tục, thần đã trở thành một đạo sĩ Yoga vĩ đại, làm việc thiện, banphát điều lành cho mọi người.
Tất cả các thần đều ca tụng Ganesha: “Thưa thần Shiva, vì con Ngài dáng mập mạp nên hãy gọi là thần bụng phệ (Lambodara), chỉ nghĩ đến con Ngài thôi thì những ai tạo ra trở ngại đều cảm thấy sợ hãi, hãy để cho con của Ngài được gọi là chúa tể của Những trở ngại (Vighnesa) đồng thời cũng là Thần gạt bỏ tất cả những trở ngại. Vị thần được tôn vinh là thần linh thiêng, may mắn và hạnh phúc.
Từ đó về sau, bất kỳ ai dù đang du hành hoặc thực hiện một dự án, hãy nhớ đến cầu nguyện Ganesha thì sẽ được kết quả như mong muốn, cát tường cho mọi lời cầu nguyện. Những người Ấn Độ giáo thường cúng một số lễ vật trước Ganesha mỗi khi bắt đầu một công việc kinh doanh, thậm chí đi hỏi vợ. Ganesha còn là một vị thần của sự khôn ngoan, thông thái, người xóa bỏ mọi chướng ngại, là vị thần không chỉ được yêu mến nhất của người dân Ấn Độ mà còn là của người Chăm, người Thái, người Khơmer…
Bảo tàng điêu khắc Chăm hiện đang lưu giữ trên 2000 hiện vật của nghệ thuật điêu khắc Chăm, trong đó có ba tượng thần Ganesha: Một tượng ở tư thế đứng và hai tượng ở tư thế ngồi, được điêu khắc từ chất liệu đá sa thạch. Hiện nay có hai tượng đang được trưng bày tại phòng Mỹ Sơn là hai tác phẩm đặc sắc thu hút sự chú ý của khách tham quan. Đến với Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, khách tham quan không những được chiêm ngưỡng vẻ đẹp trong nghệ thuật điêu khắc Chămpa nói chung mà mong một lần được chạm vào ngà voi hay trán của thần, ước nguyện gặp nhiều may mắn, hạnh phúc và thành công trong mọi công việc.